Cho rằng ý tưởng này của các nhà giáo dục Phần Lan là rất độc đáo nhưng PGS Văn Như Cương (Chủ tịch hội đồng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) lại không đồng tình khi nói rằng giáo dục không còn mang giá trị trang bị kiến thức nữa, mà được coi là chứa đựng giá trị công cụ cho nền kinh tế.
“Tôi thấy quan niệm như vậy hơi lạ lùng. Họ nói giáo dục không mang giá trị kiến thức thì cũng không ổn”, PGS Văn Như Cương bày tỏ quan điểm.
Vị chuyên gia này cũng tỏ ra băn khoăn khi các nhà giáo dục Phần Lan sẽ xóa bỏ các môn cụ thể Toán, Lý, Hóa, Lịch sử… để trở thành những môn tổng hợp.
“Ví dụ: Khi cho học sinh thảo luận về Asean mà không hiểu vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội của Việt Nam và các nước trong khu vực thì học sinh sẽ tìm hiểu thế nào. Nếu không học cụ thể thì học tổng hợp bằng cách nào?”, PGS Văn Như Cương thẳng thắn chia sẻ.
|
Bên cạnh đó, việc học sinh chỉ cần thảo luận theo nhóm, không cần ngồi trong lớp, không cần nghe giảng cũng khiến cho những kiến thức các em thu thập cũng trở nên không rõ ràng.
“Điều này cũng khó hiểu. Ít nhất phải có hạt giống mới có thể nảy mầm và phát triển được”, PGS Văn Như Cương ví von.
Vị chuyên gia này cho rằng: “Máy tính hiện đại làm được nhiều phép tính nhưng điều đó không có nghĩa là không cần kỹ năng cộng trừ, nhân chia. Các kỹ năng cơ bản nhất phải có, mỗi học sinh cũng phải biết.
Nếu chỉ dựa vào máy tính thì tôi khá lo lắng. Con người không giao tiếp với nhau mà chỉ giao tiếp với máy móc thì càng ngày sẽ trở nên đần độn. Nếu chỉ dựa vào công cụ hiện đại để thay thế thì cũng phải suy nghĩ”.
Vị chuyên gia này cho rằng nền giáo dục Việt Nam trong thời gian gần đây cũng có những đổi mới trong phương pháp dạy và học. Giáo dục Việt Nam hướng tới việc không áp đặt, không nhồi nhét vào học sinh, khuyến khích học trò thảo luận, không còn tình trạng thầy đọc trò chép.
Tuy nhiên, PGS Văn Như Cương cũng khẳng định: “ Chưa đến lúc Việt Nam có thể học Phần Lan khi xóa sổ các môn Toán, Lý, Hóa, Lịch sử. Muốn học tập gì đi nữa thì cũng phải trên nguyên tắc không được dập khuôn, máy móc”.
Ông Cương cũng lấy ví dụ Singapore có điều kiện để đưa nguyên bộ sách giáo khoa của Anh để giảng dạy. Tuy nhiên, Việt Nam lại không thể làm được điều đó.
Vì vậy, khi áp dụng, các nhà giáo dục Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có cân nhắc.
“Nếu Việt Nam muốn học tập thì phải nghiên cứu thật kỹ càng. Viện Khoa học giáo dục phải nghiên cứu điều đó.Trước đây, chúng ta đã có nhiều bài học về thay đổi phương pháp học”, PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.